Chùm nho rừng thường rất xấu mã. Tuy vậy, chùm nho thường sai quả, có chùm nặng tới 2-3kg, nhưng khi xanh ăn có vị chua và ngứa ở cuống họng. Chưa kể, giá loại nho này khá đắt do việc vận chuyển từ các tỉnh cao nguyên về xuôi khá khó khăn. Đặc biệt do đi xa, nho đã chín nên rất dễ bị thối. Về Hà Nội, chắc hẳn trái bị hư nhiều nên tỷ lệ hao hụt thường rất cao. Tuy nhiên, người dân ở Hà thành vẫn đổ xô đi mua, thậm chí còn đặt hàng trước cả tuần mới có. Cùng theo dõi bài viết của chúng tôi để biết thêm thông tin thị trường nhé.
Mục Lục
Nho rừng xấu mã, giá cao nhưng vẫn được săn đón
Mặc dù có giá khá đắt, ăn cũng ko ngọt như một số loại nho khác nhưng nho rừng Tây Bắc lại rất hút người mua. Đặc biệt là các bà nội trợ Hà thành. Nho rừng mọc ở bìa rừng khá nhiều ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Quả nho rừng tròn, nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, ăn xanh có vị chua, ăn chín thì chua ngọt nhưng khá thơm. Chùm nho nhìn khá xấu mã, ăn không giòn, ngọt nhưng lại đắt ngang ngửa nho Mỹ.
Nho rừng thuộc dạng cây dây leo có sức sống mãnh liệt. Mùa khô nó co mình lại, mùa mưa phát triển tốt tươi và đơm bông kết trái. Cây cho thu hoạch quả chín từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch.
Nếu như nho 3 màu nhập khẩu từ Mỹ về được bày bán tại các siêu thị lớn có giá chỉ từ 119.000 đồng/kg thì loại nho rừng này được rao bán với giá lên đến 180.000 đồng/kg vào đợt cuối mùa. Thời điểm rẻ nhất, loại nho này cũng được bán giá 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Dù có mức giá đắt như vậy, thậm chí được các tiểu thương bán trên chợ mạng đắt gần bằng nho Mỹ, nhưng loại quả rừng này lại rất được lòng các bà nội trợ mua về ngâm rượu. Nguyên nhân là do nho rừng là loại quả sạch, mọc tự nhiên trong rừng và không chất bảo quản, không thuốc bảo vệ thực vật nên sử dụng yên tâm. Hơn nữa, loại nho này ngâm rượu rất thơm ngon, hơn hẳn các loại nho khác.
Một vài chia sẻ của người mua và người bán
Chị Trần Phương (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, nho rừng Tây Bắc quả xanh ăn chua. Còn quả chín thì có vị chua ngọt mới đúng là kiểu nho rừng Tây Bắc chuẩn xịn. Và để về ngâm rượu với ngâm đường làm siro sẽ cho được vị hoàn hảo.
“Mua 1 yến chia ra 3kg để ngâm đường làm siro uống. Còn 7kg thì cho vào ngâm rượu theo tỷ lệ 2 nho – 1 đường. Khi đường tan hết thì đổ ngập rượu và chờ sau 3 tháng là có món rượu nho rừng thơm ngon” – chị nói.
Tương tự, anh Trần Văn Tài, một đầu mối bán nho rừng ở Núi Trúc (Ba Đình) nói thêm. Nho rừng hàng tuyển có giá 140.000 đồng/kg nhưng vẫn nhiều khách đặt mua. Còn bán hàng xô, không chọn lọc thì giá 110.000 đồng/kg.
Giá này nói thật là cũng khá cao, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với năm ngoái. Song, theo anh Tài, dù giá cao khách vẫn đặt mua rất nhiều, thậm chí nhiều hôm số lượng nho gom về còn không đủ để trả đơn hàng cho khách đã đặt.
Hàng rừng mà, mình không thể biết được số lượng về bao nhiêu vì còn phải phụ thuộc người đi hái được nhiều hay ít – anh Tài nói. Như tuần vừa rồi, nho về chưa được hai tạ mà khách đặt trước gần 2,5 tạ. Những lúc hụt hàng như thế, anh lại phải ưu tiên cho khách đặt trước. Khách đặt sau đành khất sang lần tới.